Nhà đất / Quản lý – Quy hoạch Nóng Mới Ẩn họa cầu treo, cầu tạm ở Tây Nguyên

(Cadn.com.vn) – Ngay sau khi xảy ra vụ sập cầu treo Chu Va 6 (xã Sơn Bình, H. Tam Đường, Lai Châu) làm 8 người chết và 38 người bị thương, Bộ GTVT đã có Công điện khẩn yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường công tác đảm bảo ATGT đối với hệ thống cầu treo trên địa bàn. Tại các tỉnh Tây Nguyên, do đặc điểm địa hình có nhiều sông suối, nên cầu treo, cầu tạm được người dân sử dụng nhiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những chiếc cầu treo, cầu tạm ở khu vực này đã xuống cấp nghiêm trọng, luôn tiềm ẩn hiểm họa đối với tính mạng, tài sản của người dân mỗi khi lưu thông.

Dù cầu đang thi công và có bảng cấm nhưng người dân vẫn vận chuyển nông sản qua cầu.

ĐÁNH ĐU VỚI CẦU TREO, CẦU TẠM

Theo thống kê của UBND H. Krông Bông (Đắc Lắc), toàn huyện có 6 cầu treo có trọng tải từ 1,5 tấn trở lên, được xây dựng từ hơn 6 năm nay và hiện đang xuống cấp. Như cầu treo buôn Tliêr (xã Hòa Phong, H. Krông Bông) dài 98m, rộng 2,5m, trọng tải 1,5 tấn, được xây dựng từ năm 2005, nối buôn Tliêr và thôn 3 (xã Hòa Phong) qua xã Vụ Bổn (H. Krông Pắc, Đắc Lắc).

Theo quan sát của phóng viên, cây cầu treo này không có biển báo, trong khi đó ván lót mặt cầu rất cũ kỹ và bị gãy nát. Do đó, người dân phải dùng những thanh gỗ dài bắc ngang qua vị trí gãy mà không hề buộc hay đóng đinh cố định thanh gỗ nên mặt cầu lồi lõm rất nguy hiểm. Có đoạn nhiều thanh gỗ dầm 2 bên cầu cũng bị rời ra, bu-lông văng ra khỏi sàn, trong khi những thanh sắt làm lan can cầu đã bị gỉ sắt ăn mòn nghiêm trọng… Được biết, đến nay cầu treo buôn Tliêr đã được người dân sửa chữa 4 lần nhưng xem ra đã xuống cấp nghiêm trọng lắm rồi. Ông Y Ví Byă, Bí thư chi bộ buôn Tliêr cho biết, hằng ngày cầu treo phải “oằn lưng” với hàng chục lượt xe công nông chở nông sản có trọng lượng gấp đôi trọng tải cho phép nên cây cầu treo nhanh xuống cấp, hư hỏng nặng.

Trong khi đó, cầu treo thôn 6 (TT Krông Kmar, H. Krông Bông) bị sập trước đó vẫn chưa thể hoàn thành như dự kiến. Được biết, tháng 9-2013, lúc cầu chưa hoàn thiện thì ông Nguyễn Hữu Sơn (trú TT Krông Kmar) tự ý dẫn trâu bò của gia đình đi qua làm cầu bị tuột dây cáp treo, đổ sập xuống sông. Ghi nhận của phóng viên, tại hai đầu cầu có thông báo: “Cầu đang thi công”, “Cấm tụ tập trên cầu” nhưng người dân vẫn vô tư đi lại.

Bà Trần Thị Hồng Hoa (trú thôn 6, TT Krông Kmar) cho biết: Dù biết cây cầu chưa hoàn thành và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng bà vẫn liều đi vì không còn đường nào khác nếu không muốn lội sông.

Tương tự, chiếc cầu gỗ qua thôn 1 (xã Cư Elang, H. Ea Kar, Đắc Lắc) phục vụ nhu cầu đi lại của gần 500 người, hiện đã xuống cấp, nhiều tấm ván mục nát, bong tróc… tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng người dân vẫn phải “nhắm mắt, đưa chân”.

Cầu treo buôn Tliêr đã bị đứt gãy, phải chắp vá.

HÀNG TRĂM CẦU TREO, CẦU TẠM MẤT AN TOÀN

Theo Sở GTVT tỉnh Đắc Lắc, toàn tỉnh hiện có 318 cây cầu treo, cầu tạm đã xuống cấp, mất an toàn cần sửa chữa gấp. Ông Tô Quang Dịnh, Phó trưởng Phòng Giao thông- Sở GTVT tỉnh Đắc Lắc cho biết: “Mới đây sở đã tiến hành rà soát hiện trạng các cầu giao thông nhưng do kinh phí hạn chế nên đến cuối năm 2013, đơn vị mới kiến nghị đưa 32 cây cầu trong số 318 cầu treo, cầu tạm mất an toàn vào đề án xây dựng cầu treo dân sinh”. Ông Dịnh cũng thừa nhận, 32 cây cầu được chọn này đã xuống cấp nghiêm trọng, cần phải sửa chữa gấp để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì chưa có kinh phí.

Cũng rơi vào cảnh thiếu kinh phí nên nhiều cầu treo, cầu tạm trên địa bàn H. Ea H’leo (Đắc Lắc) cũng chưa được sửa chữa dù đã hư hỏng rất nặng hoặc đã sập, trôi mất. Ông Võ Văn Tập, Chủ tịch UBND H. Ea H’leo cho biết: Trong cơn bão số 8 năm 2013 đã cuốn trôi 8 cây cầu treo, cầu tạm trên địa bàn huyện. Trong đó, cầu Km5 đường liên xã Ea Wuy- Cư Amung đã bị cuốn trôi khiến giao thông bị chia cắt. Cuối tháng 1-2014, UBND tỉnh Đắc Lắc đã có quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ khắc phục cây cầu này là 900 triệu đồng. Tuy nhiên, để xây dựng được cây cầu này phải tốn khoảng 3 tỷ đồng nên UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung nguồn vốn nhưng vẫn chưa được đồng ý.

Tại Đắc Lắc, ngoài cầu treo thôn 6 (TT Krông Kmar) bị sập thì năm 2012, cầu treo buôn Khanh (xã Cư Pui, H. Krông Bông) cũng bị sập song rất may là không có người thiệt mạng. Tuy nhiên, những vụ sập cầu treo nói trên chính là lời cảnh báo cho sự mất an toàn của nhiều cây cầu treo ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, ở Tây Nguyên cầu treo còn là một hình thức kinh doanh thu hút khách du lịch nên cũng không loại trừ những nguy cơ mất an toàn đối với du khách.

Tại H. Buôn Đôn (Đắc Lắc) có 2 điểm kinh doanh du lịch cầu treo là Khu du lịch sinh thái Bản Đôn (buôn N’dếch, xã Ea Huar, H. Buôn Đôn) và Trung tâm du lịch Buôn Đôn (thuộc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắc Lắc, tại buôn Trí A, xã Krông Na, H. Buôn Đôn). Cầu treo ở đây đa phần được làm bằng những thanh tre, gỗ, được nối qua những rặng cây si cổ thụ để bắt qua sông Sêrêpôk. Vào mùa du lịch, có rất đông người tham quan đi qua cầu treo, dù các công ty du lịch đã gắn biển báo nội quy khi đi cầu treo nhưng không ai dám chắc rủi ro không thể xảy ra.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

* Trên địa bàn H. Ngọc Hồi (Kon Tum) hiện có 17 công trình cầu treo, trong đó có nhiều cây cầu tạm xây dựng từ năm 2008, 2009 nay đã xuống cấp, mặt cầu bị hư hỏng; thời gian qua mưa bão kéo dài gây sạt lở bờ sông và sạt lở mố cầu tại nhiều cầu treo; đặc biệt, một số cầu treo tại thôn Đắc Blái- Đắc Rơ Me (xã Đắc Ang), cầu treo tổ dân phố 5 (TT Plei Kần), cầu treo thôn Đắc Ba (xã Đắc Dục) và cầu treo thôn Hào Nưa (xã Đắc Kan)… hầu như không thể sử dụng…

* Bình Định hiện có 14 cầu treo, cầu dân sinh chủ yếu tại các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão và huyện trung du Tây Sơn. Tại H. Vĩnh Thạnh có 2 cầu treo bắc qua sông Kôn đã bị sập hoàn toàn trong trận lũ lịch sử tháng 11-2013; H. An Lão có nhiều cầu gỗ dân sinh bắc qua các sông có địa hình phức tạp nên chính quyền địa phương đã cho kiểm tra, đánh giá toàn bộ hệ thống các cầu này nhanh chóng đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn.

* Nghệ An vừa tổ chức đợt rà soát, kiểm tra toàn bộ số cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh, qua đó cho thấy nhiều cầu treo chưa được đầu tư kinh phí đúng mức cho công tác quản lý, bảo trì. Toàn tỉnh Nghệ An có 36 cầu treo dân sinh, tập trung chủ yếu tại các huyện miền núi. Đơn cử, H. Quế Phong có 12 cầu treo, nhưng hệ thống cầu treo còn chưa đồng bộ, thiếu hệ thống báo hiệu an toàn giao thông và hướng dẫn khai thác, nhiều cầu đã xuống cấp, hư hỏng gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Trả lời

0974 396 879