VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA BẰNG ĐƯỜNG BỘ
Nếu đi cự ly ngắn, đương nhiên đường bộ làthuận tiện hơn cả, có lẽ chỉ trừ đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh rạch chằng chịt.
Ở đa số các nơi, vận chuyển hàng hóa phải dùng phương tiện giao thông đường bộ: trong nội thành, liên tỉnh, bắc nam…
Với hàng hóa quốc tế, việc vận chuyển cũng đa phần phải kết hợp đường bộ với phương thức khác như đường biển, đường hàng không…
Phương tiện vận tải

Nếu xét theo vận tải bộ nói chung, các phương tiện di chuyển bằng đường bộ đều có thể liệt kê vào đây, vì chúng đều “vận chuyển” một thứ gì đó. Và nếu vậy, phương tiện vận tải bộ chia theo công dụng thì gồm rất nhiều: xe khách, xe tải, xe lam, xe thồ…
Theo chủ đề của website, ở đây tôi chỉ nói tới xe tải, không bàn tới xe khách hay các loại phương tiện vận tải đường bộ khác.
Xét theo góc độ chủ hàng, có lẽ bạn quan tâm các loại xe tải như sau:
Theo chủng loại xe:
- Xe tải thùng: loại xe có thùng, kín hoặc hở mái. Loại này phù hợp với hàng nội địa các cự ly ngắn (taxi tải) vừa (liên tỉnh) và dài (bắc nam), những lô hàng xuất nhập khẩu nhỏ (không đủ đóng container), hoặc những lô hàng lớn tập kết cho tàu hàng rời.
- Xe container: chuyên dụng để chở container các loại 20’, 40’, flatrack… Với xe container loại rơ-mooc sàn, có thể chở hàng thép cuộn, thép thanh, thép bó, hay những loại hàng nặng cần vận chuyển bằng xe sàn. Xem thêm về xe container.
- Xe bồn: vận chuyển hàng lỏng, hoặc hóa lỏng: xăng dầu, ga hóa lỏng, hóa chất…
- Xe fooc: chở hàng siêu trường siêu trọng cho các công trình, dự án. Với những hàng thiết bị, kích thước vượt qua tiêu chuẩn của xe thùng, hoặc xe container, thì phải dùng xe chuyên dụng loại này.
Theo trọng tải xe
Có nhiều loại: sức chở từ vài tạ, vài tấn, đến vài chục tấn. Cá biệt có thể có những xe chở hàng đặc biệt lên đến trăm tấn, nhưng cần giấy phép mới được lưu hành.
Tải trọng đường bộ
Chủ hàng cần lưu tâm tới vấn đề tải trọng tối đa đóng hàng với xe, khi tính toán phương án và chi phí vận chuyển.
Thường thì cả chủ xe và chủ hàng đều muốn đóng quá tải để giảm phí vận tải. Tuy nhiên, điều này gây nhiều hệ lụy đến an toàn giao thông, kết cấu cầu đường.

Từ ngày 1/4/2014, các cơ quan hữu quan kiểm tra phạt quá tải rất mạnh. Các trạm cân di động đặt trên hầu hết các tuyến đường trọng điểm. Điều này về cơ bản tạo được sự đồng thuận của dự luận, nhưng không được chủ hàng hoan nghênh vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu quả của lô hàng.
Chủ hàng cho rằng việc siết tải trọng như vậy sẽ đội giá thành, giảm hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng xấu tới kinh doanh. Các doanh nghiệp vì thế sẽ phải giảm sản lượng, thu hẹp quy mô, tạo ít việc làm, giảm đóng thuế…
Phía cơ quan nhà nước thì lập luận: trước đây anh chở quá tải để được hưởng lợi, giờ làm đúng, anh không hài lòng là phải rồi. Và phải đưa vận tải đường bộ về đúng giá trị thực của nó…
Công ty tôi làm dịch vụ giao nhận vận chuyển. Nhiều khi, việc thuê xe vận chuyển rất khó khăn. Thực tế thì tổng lượng hàng vẫn như trước, nhưng do xe container 40’ không chạy được kẹp đôi, tự nhiên thành ra thiếu xe.
Tôi hiểu về phía chủ hàng cũng vất vả không kém, vừa khó gọi xe, vừa phải trả thêm chi phí.